Tin tức & Sự kiện

Giới thiệu về tỉnh Bình Dương

Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam.

Tỉnh lỵ của Bình Dương là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 30 km theo đường Quốc lộ 13. Đây là tỉnh có dân số đông thứ 6 trong 63 tỉnh thành và cũng là tỉnh có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao do có nhiều người nhập cư, hơn 50% dân số Bình Dương là dân nhập cư.

Năm 2018, Bình Dương là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ bảy về số dân, xếp thứ tư về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ tư về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 18 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 2.163.600 người dân[2], GRDP đạt 282.999 tỉ Đồng (tương ứng với 12,2909 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 130,8 triệu đồng (tương ứng với 5.681 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,01%.

Bình Dương là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên (nay là huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên), vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An. Ngoài ra còn có khu du lịch Đại Nam là khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á.

Điều kiện kinh tế

Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2694,4 km2, xếp thứ 4 trong vùng Đông Nam Bộ. Có tọa độ địa lý là 10o51'46"B – 11o30'B, 106o20' Đ – 106o58'Đ.

  • Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước
  • Phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh
  • Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai
  • Phía Đông giáp tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa hình Bình Dương tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm 1.800 mm đến 2.000 mm. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5oC.

Bình Dương là cửa ngõ giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế – văn hóa của cả nước, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á … cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 km – 15 km… thuận lợi cho phát triển kinh tế  xã hội toàn diện. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, GRDP tăng bình quân khoảng 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng cao, năm 2010, tỷ lệ công nghiệp – xây dựng 63%, dịch vụ 32,6% và nông lâm nghiệp 4,4%. Hiện nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích hơn 8.700 ha với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động có tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ đôla Mỹ.

Điều kiện tự nhiên

Bình Dương là một tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía nam của dãy Trường Sơn, nối nam Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh bình nguyên có địa hình lượn sóng từ cao xuống thấp dần từ 10m đến 15m so với mặt biển. Địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ bắc xuống nam. Nhìn tổng quát, Bình Dương có nhiều vùng địa hình khác nhau như vùng địa hình núi thấp có lượn sóng yếu, vùng có địa hình bằng phẳng, vùng thung lũng bãi bồi...

Đất đai Bình Dương rất đa dạng và phong phú về chủng loại. Các loại đất như đất xám trên phù sa cổ, có diện tích 200.000 ha phân bố trên các huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, Thuận An, Thủ Dầu Một. Đất nâu vàng trên phù sa cổ, có khoảng 35.206 ha nằm trên các vùng đồi thấp thoải xuống, thuộc các thị xã Tân Uyên, huyện Phú Giáo, khu vực Thủ Dầu Một, Thuận An và một ít chạy dọc quốc lộ 13. Đất phù sa Glây (đất dốc tụ), chủ yếu là đất dốc tụ trên phù sa cổ, nằm ở phía bắc huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Thuận An, thị xã Dĩ An, đất thấp mùn Glây có khoảng 7.900 ha nằm rải rác tại những vùng trũng ven sông rạch, suối.

Khí hậu Bình Dương cũng như chế độ khí hậu của khu vực miền Đông Nam Bộ, nắng nóng và mưa nhiều, độ ẩm khá cao. Vào những tháng đầu mùa mưa, thường xuất hiện những cơn mưa rào lớn, rồi sau đó dứt hẳn. Những tháng 7,8,9, thường là những tháng mưa dầm. Có những trận mưa dầm kéo dài 1–2 ngày đêm liên tục. Đặc biệt ở Bình Dương hầu như không có bão, mà chỉ bị ảnh hương những cơn bão gần. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bình Dương từ 26 °C–27 °C. Nhiệt độ cao nhất có lúc lên tới 39,3 °C và thấp nhất từ 16 °C–17 °C (ban đêm) và 18 °C vào sáng sớm. Vào mùa khô, độ ẩm trung bình hàng năm từ 76%–80%, cao nhất là 86% (vào tháng 9) và thấp nhất là 66% (vào tháng 2). Lượng mùa mưa trung bình hàng năm từ 1.800–2.000 mm.

Chế độ thủy văn của các con sông chảy qua tỉnh và trong tỉnh Bình Dương thay đổi theo mùa: mùa mưa nước lớn từ tháng 5 đến tháng 11 (dương lịch) và mùa khô (mùa kiệt) từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, tương ứng với 2 mùa mưa nắng. Bình Dương có ba con sông lớn, nhiều rạch ở các địa bàn ven sông và nhiều suối nhỏ khác. Về hệ thống giao thông đường thủy, Bình Dương nằm giữa ba con sông lớn, nhất là sông Sài Gòn. Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Tài nguyên rừng

Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, nên rừng ở Bình Dương xưa rất đa dạng và phong phú về nhiều chủng loài. Có những khu rừng liền khoảnh, bạt ngàn. Rừng trong tỉnh có nhiều loại gỗ quý như căm xe, sao, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương... Rừng Bình Dương còn cung cấp nhiều loại dược liệu làm thuốc chữa bệnh, cây thực phẩm và nhiều loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm.

Khoáng sản

Cùng với những giá trị quý giá về tài nguyên rừng, Bình Dương còn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi chứa đựng nhiều loại khoáng sản phong phú tiềm ẩn dưới lòng đất. Đó chính là cái nôi để các ngành nghề truyền thống ở Bình Dương sớm hình thành như gốm sứ, điêu khắc, mộc, sơn mài... Bình Dương có nhiều đất cao lanh, đất sét trắng, đất sét màu, sạn trắng, đá xanh, đá ong nằm rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở các thị xã Dĩ An, Tân Uyên, Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một.

 

Sign up to receive information about Happy One Central apartment schedule and price list